Bùi Văn Thường
Cuối Tháng Giêng năm Ất Mùi tôi có dịp đi cùng Đoàn làm phim SCTV trên chặng lên Tây Bắc trong hành trình làm phim "Petrolimex ký sự". Chỉ một quãng ngắn ngủi trong cả chặng đường dài của 20 tập phim, nhưng chuyến đi mang lại cho tôi nhiều cảm xúc thú vị.
Đây là một phần của những tập phim nói về nỗi gian truân, vất vả khi Petrolimex thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước: An sinh xã hội cho đồng bào vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc, như tựa đề "Cõng chữ P lên ngàn".
Thú vị vì cách làm việc đầy nhiệt huyết, chuyên nghiệp của các anh chị trong Đoàn làm phim SCTV. Thú vị vì những chàng "Kỵ sỹ áo xanh" cưỡi trên lưng những con "Ngựa sắt" cõng hàng qua những đỉnh núi cheo leo mang xăng dầu lên Tây Bắc.
Chỉ cách Thủ đô chưa đầy 70 km, dốc Cun là thử thách đầu tiên cho những tay lái với những khúc cua tay áo đang chìm trong màn sương. Cả đoàn xe téc cõng hàng leo lên dốc, đến khúc cua gấp, đoàn xe phải rồ ga, tiếng động cơ gầm rú, rồi đoàn xe ì ạch leo lên. Để ghi được nỗi vất vả của anh em lái xe, Đoàn làm phim phải đi trước, vòng đi vòng lại để chọn được góc bấm máy vừa ý. Anh Đức Long, anh Tiếng Sáng vừa vác máy, vừa bám cây vượt qua vách núi gần như dựng đứng dưới sương mù trơn trượt để leo lên mỏm núi cao đặt máy quay. Giữa trời sương ướt đẫm như mưa, một tay anh Tiếng Sáng vừa cầm ô che mưa cho máy quay, một tay vừa túm áo giữ thăng bằng cho anh Đức Long bấm máy bên vách đá cheo leo trơn trượt. Thế rồi đạo diễn Trần Quế Ngọc, một cô gái có giọng nói ngọt ngào đậm chất Sài Gòn tưởng chân yếu tay mềm, cũng bám cây leo theo các anh, để đạo diễn ghi hình. Đứng dưới đường nhìn lên, tôi thầm cảm phục tinh thần làm việc và cả sự dũng cảm của các anh chị. Sau khi hoàn thành cảnh quay, ai nấy đều mệt nhoài, quần áo giầy dép lấm lem bùn đất, nhưng nét mặt, ánh mắt ai cũng rạng ngời vì vừa quay được những đoạn phim vừa ý.
Tác nghiệp trên vách núi cheo leo
Nét mặt rạng ngời sau khi quay được cảnh quay vừa ý. Từ trái qua phải: anh Đức Long, chị Quế Ngọc và anh Tiếng Sáng
Rời dốc Cun, đoàn tiếp tục hành trình. Gần 4 giờ chiều, Đoàn đến đỉnh Thung Khe. Thung Khe mang đến cho khách đi đường cảm giác vừa hùng vĩ, vừa choáng ngợp bởi độ cao và dốc núi cheo leo trải đầy đá trắng. Dưới màn sương chiều, Thung Khe càng trở nên huyền ảo. Trong màn sương đặc quánh, các anh chị trong đoàn làm phim hối hả đặt máy để quay cảnh đoàn xe ngược dốc. Với độ dốc trên mười phần trăm, tiếng động cơ gầm gào, tôi có cảm tưởng như đang trong thời chiến tranh, đứng bên những đoàn xe tải đạn vượt đỉnh Trường Sơn tiếp viện cho chiến trường.
Anh Đức Long, quay phim chính, luôn nôn nóng được nhìn thấy hoa Ban Tây Bắc, khi nhìn thấy những rặng hoa xoan nở trắng anh bỗng thốt lên "Ôi, Hoa Ban!", làm cả đoàn bật cười sảng khoái sau những phút giây mệt nhọc. Thế rồi anh cũng được thỏa chí khi dưới chân Thung Nhuối hiện lên một quầng sáng màu trắng tinh khôi của cây Ban cổ thụ đang nở rộ.
Đoàn làm phim muốn quay cảnh đoàn xe băng qua rừng già nơi giáp ranh giữa Hòa Bình và Sơn La, nhưng khi đến nơi, sương mù đặc quánh, chừng dăm mét đã khó nhìn thấy nhau, nên đành bỏ lỡ cảnh quay.
Ngồi cùng xe, chị Trần Quế Ngọc - đạo diễn kiêm MC, với ánh mắt thật ấm áp, muốn tôi kể lại những kỷ niệm của anh em lái xe chở xăng dầu lên Tây Bắc để có thêm tư liệu làm phim. Tôi đã kể những kỷ niệm cả vui lẫn buồn trong hành trình "cõng chữ P lên ngàn” của anh em PTS Hà Tây.
Đó là vào năm 2008, khi miền Bắc gặp trận mưa lịch sử, cả thành phố Hà Nội ngập trong nước lũ, cũng là lúc nhiều đoạn đèo Tây Bắc sạt lở. Khi đoàn xe đi đến đoạn dốc gần Đồng Bảng, hai phần quả núi sạt xuống chặn hai đầu đoàn xe, không tiến không lùi suốt 3 ngày đêm. Anh em lái xe phải nằm trên ca-bin nhịn đói. Lãnh đạo Công ty cùng anh em vượt mưa bão, nước lũ mang đồ tiếp tế động viên anh em cầm cự chờ thông đường.
Rồi có lần trên đoạn Đèo 81, anh Đoàn Công Hiếu lái xe đi trong sương mù dày đặc, ta-luy sạt lở, cả xe và người rơi xuống vực sâu hàng trăm mét, rất may do văng được ra ngoài nên anh chỉ bị thương nhẹ, nhưng để đưa được xe lên phải cắt xe thành từng mảnh nhỏ.
Có một kỷ niệm đau buồn mà giờ kể lại cho chị, tôi vẫn không kìm được xúc động:Cũng vào những ngày này cách đây một năm, khi những cánh hoa Ban đang nở trắng đường lên Tây Bắc, anh Trần Việt Thắng lái xe 33H -7707, nhận nhiệm vụ vận tải xăng dầu lên Bắc Yên, Sơn La, đến đoạn cua tay áo, do trời mưa, dốc đứng, xe đã bị tụt dốc. Cố cứu xe cứu hàng, anh đã không chịu buông tay lái, thật không may cả người và xe đã lao xuống hồ thủy điện Suối Xập 2 - Bắc Yên - Sơn La, mọi người xuống cứu nhưng không đưa được anh ra. Khi đồng đội cứu hộ đưa được xe lên, hai tay anh vẫn ôm chặt vô lăng.Mọi người lặng đi vì sự hy sinh dũng cảm của anh.
Những nỗi vất vả, hiểm nguy của anh em lái xe trên đường lên Tây Bắc còn nhiều lắm. Tôi nói với đạo diễn Trần Quế Ngọc:"Hành trình các anh chị sẽ đi cùng anh em lái xe xi téc còn dài, qua những địa danh như: Sông Mã, Sốp Cộp rồi Pha Đin, Tằng Quái, Mường Ẳng, Mường Nhé, v.v… các anh chị sẽ ghi nhận được nhiều hơn những gì tôi đã kể".
Dường như khi qua những cung đường hiểm trở, chị hiểu được khó khăn vất vả của lái xe nên hỏi tôi: Tiêu chuẩn của Công ty khi tuyển lái xe vào lái xe Tây Bắc là gì? Tôi trả lời chị, có bốn tiêu chuẩn chính: Tay nghề - Sức khoẻ - Bản lĩnh - Lòng yêu nghề. Vì muốn vượt qua những cung đèo hiểm trở với xe hàng nặng mấy chục tấn trên lưng, lái xe phải có tay nghề và kinh nghiệm. Trước khi tuyển dụng, chúng tôi phải thử thách lái xe làm phụ lái ít nhất nửa năm, nếu đạt mới ký hợp đồng tuyển dụng. Sức khỏe là yếu tố không thể thiếu, vì phải cầm lái đi hàng ngàn cây số cho một chuyến hàng. Tây Bắc là tuyến trọng điểm của tệ nạn buôn bán ma túy, lái xe phải có bản lĩnh, đạo đức vững vàng để vượt qua cám dỗ. Và cuối cùng là lòng yêu nghề, phải có lòng yêu nghề thì mới vượt qua bao khó khăn hiểm nguy, lấy xe làm nhà, lấy ca bin làm giường trên những cung đường Tây Bắc.
Do công việc, tôi ở lại thị trấn Mộc Châu sau khi cùng Đoàn ăn bữa cơm tối vội vàng. Sau bữa cơm, trời đã tối muộn, anh em lái xe và đoàn làm phim lại tiếp tục lên Sơn La. Một số anh em lái xe đợi cảnh quay, ngủ lại ở Mộc Châu. Tôi mời anh em vào khách sạn Công đoàn Mộc Châu nghỉ để có sức ngày mai đi tiếp, thì được anh Đinh Quang Hưng lái xe 29C-299.54 trả lời: "Chúng tôi ngủ ở khách sạn Hyundai quen rồi". Tôi thoáng chút ngỡ ngàng, sau mới hiểu: Khách sạn Hyundai của các anh chính là giường ngủ trên ca bin của xe xi téc mang nhãn hiệu Hyundai các anh ngủ trên xe để bảo vệ xe và hàng hóa nữa. Tôi thầm cảm thương các anh, những người đã không quản khó khăn để ngày đêm "cõng chữ P lên ngàn". . .
Sau gần mười ngày hoàn thành xong những cảnh quay hành trình lên Tây Bắc, trong câu chuyện giữa bữa cơm đón Đoàn trở về an toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Văn Thịnh nói:"Chỉ cần chở xăng dầu đến đầu địa bàn Sơn La, bán ra là đã lỗ lớn rồi vì phải cõng thêm bao nhiêu chi phí, trong đó lớn nhất là chi phí vận chuyển. Thế nhưng để đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào Tây Bắc, Petrolimex vẫn nỗ lực vượt qua để mang xăng dầu đến cả những vùng heo hút nhất, vùng sâu vùng xa nhất như Sốp Cộp, Mường Nhé, …". Tôi biết, anh em lái xe thật là vất vả - Tổng giám đốc Petrolimex nói.
Chúng tôi thấu hiểu điều ấy, anh em lái xe vận tải xăng dầu nói chung, PTS Hà Tây nói riêng thấu hiểu điều ấy nên vẫn ngày đêm miệt mài chở những chuyến hàng vượt qua những đỉnh núi cheo leo sương mù bao phủ, những con suối ngập tràn nước lũ để mang niềm vui đến với đồng bào những vùng xa xôi của Tổ Quốc. Đó là niềm vui và cùng là niềm tự hào của chúng tôi.
Tôi thầm mong tập phim sớm được phát trên sóng Truyền hình SCTV, để nhiều người hiểu hơn nỗi gian truân trong hành trình "Cõng chữ P lên ngàn" của tập thể cán bộ công nhân viên - người lao động PTS Hà Tây của chúng tôi.
Ngày qua ngày, đêm qua đêm chúng tôi vẫn miệt mài cõng chữ P lên ngàn đến với đồng bào các dân tộc Miền Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc mình